Trang chủ [Q&A] Thai mấy tuần thì có nhau thai – Có hình dạng như thế nào?

[Q&A] Thai mấy tuần thì có nhau thai – Có hình dạng như thế nào?

Chia sẻ:

Nhau thai hình thành khi nào? Thai mấy tuần thì có nhau thai?… Đây là băn khoăn của không ít mẹ bầu trong suốt thai kỳ phải không nào? Nhau thai là cơ quan đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nuôi dưỡng và phát triển ở bào thai. Đây cũng chính là trạm trung gian giúp trao đổi chất từ mẹ sang con cũng như bảo vệ thai nhi khỏi các tác nhân gây hại. Vậy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Sự hình thành nhau thai như nào?
Sự hình thành nhau thai như nào?

1. Nhau thai là gì & có tác dụng như thế nào?

Nhau thai là một thể phát triển trong tử cung được hình thành trong quá trình mang thai. Đây chính là bộ phận kết nối với thai nhi thông qua dây rốn, giúp em bé duy trì môi trường sống và phát triển khoẻ mạnh trong suốt thai kỳ.

Về mặt y học, nhau thai là một tổ chức độc lập, không có bất kỳ tế bào thần kinh nào cũng như không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của não bộ nay tuỷ sống. Tuy nhiên, bộ phận này lại đóng vai trò quan trọng gần như không thể thiếu đối sự sống cũng như sự phát triển của thai nhi.

Không chỉ cung cấp oxy và các dinh dưỡng cần thiết cho em bé, nhau thai còn đảm nhiệm nhiều vai trò và chức năng khác nhau trong suốt thai kỳ có thể kể đến như:

  • Vận chuyển dinh dưỡng từ cơ thể mẹ đến bào thai, giúp nuôi dưỡng và phát triển thai nhi.
  • Hoạt động với cơ chế như một bộ lọc, giúp lọc máu và phân tách các chất độc hại đồng thời đẩy nó ra ngoài qua hệ thống tiết niệu và bài tiết của người mẹ, bảo vệ sức khỏe của thai nhi.
  • Giúp khuếch tán oxy vào máu, đưa tới hệ thống tuần hoàn của thai nhi, giúp bé nhận được oxy mà không hít phải nước ối trong bụng mẹ.
  • Sản xuất và tiết ra các hormone cần thiết cho người mẹ trong quá trình mang thai như: estrogen và progesterone, Oxytocin, HCG, HPL.
  • Giữ cho máu của mẹ tách biệt với máu của thai nhi để bảo vệ thai nhi chống lại các bệnh nhiễm trùng.
  • Ở cuối thai kỳ, nhau thai còn có khả năng truyền kháng thể để bảo vệ an toàn cho em bé khi chào đời.
Hình ảnh chi tiết về nhau thai
Hình ảnh chi tiết về nhau thai

2. Nhau thai hình thành khi nào?

Có thể thấy, nhau thai là cơ quan đóng vai trò rất đặc biệt trong thời kỳ mang thai. Vậy nhau thai xuất hiện lúc nào?

Khi trứng được thụ tinh sẽ sản sinh ra các tế bào. Quá trình phân chia tế bào vẫn tiếp tục diễn ra khi hợp tử đến tử cung. Ở thời điểm này, một phần tế bào sẽ phát triển thành bào thai.

Phần tế bào còn lại sẽ phát triển tạo thành nhau thai. Sự hình thành nhau thai có lẽ đã được bắt đầu từ lúc này. Tuy nhiên, phải đến tuần thứ 12 của thai kỳ, bánh nhau mới thực sự có cấu trúc hoàn chỉnh và sẵn sàng tiếp nhận nuôi dưỡng thai nhi.

Song, kích thước của bánh nhau không chỉ dừng lại ở đó mà nó vẫn tiếp tục phát triển trong suốt thai kỳ và tăng trưởng theo kích thước của em bé. Nhau thai được cho là sẽ trưởng thành từ tuần thứ 34 trở đi.

3. Nhau thai có hình dạng như thế nào?

Như Hebora đã đề cập ở trên, sang tuần thứ 12 của thai kỳ, nhau thai gần như đã được hoàn chỉnh về cấu tạo. Lúc này, nhau thường có trọng lượng từ 0,4 – 0,9kg, hình tròn và dẹt, đường kính khoảng 15cm, dày 2,5 – 3 cm, mỏng hơn ở ngoại vi.

Ở bề mặt có nổi nhiều gân máu trông như gân lá sen khô. Mỗi bánh rau sẽ gồm 15-20 múi, giữa các múi rau là các rãnh nhỏ.

Ở điều kiện bình thường, nhau thai sẽ dính với niêm mạc tử cung. Càng về cuối thai kỳ, nhau thai sẽ di chuyển cùng với tử cung, đồng thời được tống ra khỏi cơ thể người mẹ sau sinh, thường là khoảng từ 5 – 30 phút.

Nếu nhau bị sót sau khi sinh, bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ để ngăn chảy máu và nhiễm trùng.

Hình dạng của nhau thai
Hình dạng của nhau thai

4. Các yếu tố ảnh hưởng xấu đến nhau thai là gì?

Nhau thai là một bộ phận được hình thành cùng với thai nhi ngay từ khi trứng được thụ tinh. Bộ phận này đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi khỏi các tác nhân gây hại. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ, nó không phải là một lá chắn siêu nhiên, do đó, nhau thai vẫn có thể bị ảnh hưởng xấu bởi các yếu tố sau đây:

  • Tuổi mẹ mang thai: Tuổi mẹ mang thai càng lớn càng dễ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến nhau. Đặc biệt là những mẹ trên 40 tuổi, tỉ lệ gặp bất thường và rủi ro trong quá trình mang thai càng cao hơn so với những mẹ khác.
  • Đã có tiền sử về nhau thai: Những mẹ có tiền sử nhau thai gặp vấn đề trong các lần mang thai trước cũng có nguy cơ cao về nhau thai trong lần mang thai tiếp theo.
  • Chứng rối loạn máu đông: Mọi bất thường về thời gian đông máu cũng được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về nhau thai.
  • Song thai hoặc đa thai: Tình trạng này cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề liên quan đến nhau thai. Các bà mẹ mang đa thai thường có nhau thai phát triển yếu hơn.
  • Huyết áp cao: Huyết áp cao cũng có thể khiến nhau thai không thực hiện đầy đủ chức năng của nó.
  • Bong nút nhầy cổ tử cung sớm: Tình trạng bong nút nhầy cổ tử cung quá sớm có thể khiến nhau thai gặp nguy hiểm.
  • Phẫu thuật tử cung: Nếu thai phụ đã từng có tiền sử phẫu thuật tử cung thì cũng làm tăng nguy cơ nhau thai phát triển không bình thường.
  • Căng thẳng, mệt mỏi: Tinh thần người mẹ cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thai nhi. Mẹ bầu trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi dễ dẫn đến các vấn đề về nhau thai.
  • Sử dụng chất gây nghiện: Một số vấn đề về nhau thai phổ biến hơn ở những phụ nữ hút thuốc hoặc sử dụng cocain trong khi mang thai.

Mẹ bầu căng thẳng, stress ảnh hưởng cực tệ tới thai nhi

5. Cách giữ nhau thai khỏe mạnh trong suốt thai kỳ

Từ những phân tích phía trên, có thể thấy nhau thai đóng một vai trò đặc biệt quan trọng nếu không muốn nói là có khả năng quyết định đến sự sống còn của thai nhi. Bởi vậy, để có một thai kỳ suôn sẻ và giúp thai nhi được phát triển tốt nhất, mẹ bầu nên chú ý giữ nhau thai khỏe mạnh bằng cách thực hiện những lưu ý sau:

  • Thường xuyên thăm khám thai theo định kỳ để kiểm tra tình trạng mang thai và các vấn đề về nhau thai, giúp phát hiện kịp thời các bất thường trong quá trình mang thai và có hướng xử lý phù hợp.
  • Nếu đã từng có tiền sử phẫu thuật hoặc gặp các vấn đề về nhau thai trong những lần mang thai trước cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn về cách chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ.
  • Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích trong quá trình mang thai để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và thai nhi.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ, tránh vận động nặng hoặc quá sức.
  • Hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa nếu gặp phải các triệu chứng: đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo, cơn co thắt hoặc khi gặp phải bất kỳ chấn thương nào liên quan đến vùng bụng.

Như vậy qua nội dung bài viết trên đây, hẳn các bạn đã nắm rõ thai mấy tuần thì có nhau thai? Hy vọng bài viết trên mang đến cho bạn những thông tin hữu ích và cần thiết.

Theo Nguyễn Ngọc Duy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *