Các Vitamin nhóm B đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa cũng như hoạt động của cơ thể cùng với Vitamin A, Vitamin C, Vitamin E… Mỗi loại Vitamin sẽ tham gia những chức năng khác nhau đối với hoạt động của cơ thể ngay từ khi chúng ta còn là một đứa trẻ. Riêng Vitamin B có đến 8 loại với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vì thế, hãy tìm hiểu từng loại Vitamin B có tác dụng gì và cách bổ sung nguồn dưỡng chất thiết yếu này cho cơ thể nhé.
1. Vitamin B là gì?
Vitamin B hay có thể gọi là Vitamin nhóm B, nhóm Vitamin B – tên gọi để chỉ một nhóm các Vitamin có thể hòa tan trong nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của tế bào. Trước đây, các loại trong nhóm Vitamin B từng được cho là một loại duy nhất được gọi chung là Vitamin B. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu sau này, Vitamin nhóm B được chứng minh là có sự khác biệt về mặt hóa học.
Có 8 loại Vitamin B bao gồm: Vitamin B1 (thiamine), Vitamin B2 (riboflavin), Vitamin B3 (niacin hay niacinamide), Vitamin B5 (axit pantothenic), Vitamin B6 (pyridoxine, pyridoxal, hay pyridoxamine, hay pyridoxine hydrochloride), Vitamin B7 (biotin)(vitamin H), Vitamin B9 (axit folic), Vitamin B12 (các loại cobalamin khác nhau; cyanocobalamin phổ biến trong các dưỡng chất vitamin). Chúng thường xuất hiện trong các loại thực phẩm và nguồn bổ sung đầy đủ 8 loại gọi là Vitamin B hỗn hợp.
Xem thêm
2. 8 loại Vitamin nhóm B phổ biến
Mỗi loại Vitamin B sẽ đóng vai trò khác nhau đối với cơ thể. Hiểu và sử dụng đúng cách các loại trong nhóm Vitamin B sẽ giúp chúng ta chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, đặc biệt phòng tránh được nhiều bệnh lý nguy hiểm.
2.1 Vitamin B1
Vitamin B1 hay thiamine, thiamin được phát hiện vào năm 1897, trở thành Vitamin đầu tiên được phân lập vào năm 1926 và được sản xuất vào năm 1936 lần đầu tiên. Thiamine nằm trong danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới, hiệu quả và an toàn nhất trong hệ thống y tế cần có.
– Chức năng của Vitamin B1:
- Điều trị và ngăn ngừa hội chứng rối loạn bệnh não Beriberi và Wernicke.
- Điều trị bệnh nước tiểu Maple Syrup (siro cây phong).
- Điều trị hội chứng Leigh.
– Thiếu Vitamin B1 gây ra hiện tượng:
- Hệ thần kinh suy yếu: mệt mỏi, trầm cảm, thiếu tập trung…,
- Suy giảm cơ bắp.
- Bệnh não Beriberi và Wernicke.
– Thực phẩm bổ sung Vitamin B1:
- Các loại hạt ngũ cốc
- Bột mỹ hữu cơ
- Bột yến mạch
- Thịt, gan (bò, lợn, gà)
- Các loại đậu đặc biệt là đậu Hà Lan
2.2 Vitamin B2
Vitamin B2 hay Riboflavin (trước đây còn có tên gọi là Vitamin G) là thành phần trung tâm của cofactor FAD và FMN. Nó cũng là thành phần cần thiết cho nhiều loại phản ứng enzym flavoprotein, trong đó có việc hoạt hóa các vitamin khác.
– Chức năng của Vitamin B2:
- Thúc đẩy sản xuất hồng cầu.
- Hỗ trợ các tế bào trong quá trình tạo năng lượng.
- Hỗ trợ trong điều trị chứng tiêu chảy kéo dài, các bệnh lý về đường ruột hay bị thương nặng, nhiễm trùng, sốt liên tục…
– Thực phẩm bổ sung vitamin B2:
- Các loại rau xanh đậm
- Thịt
- Hoa quả: chuối, táo, lê…
- Các loại hạt ngũ cốc…
2.3 Vitamin B3
Vitamin B3 hay niacin, niaxin, axit nicotinic, vitamin PP là một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu đối với con người. Nó tồn tại ở dạng hợp chất hữu cơ với công thức C6H5O2 – chất rắn hòa tan trong nước, không màu.
– Chức năng của Vitamin B3:
- Tăng mức độ HDL trong máu. HDL là lipoprotein mật độ cao – thuộc một trong 5 nhóm chính của lipoprotein, có khả năng vận chuyển các phân tử chất béo ra khỏi thành động mạch, giảm tích lũy xơ vữa động mạch trong các thành của động mạch.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Bổ trợ cho hệ thần kinh và tiêu hóa, tăng cường hoạt động cho hệ thần kinh với hệ tiêu hóa.
- Tham gia vào quá trình sản xuất năng lượng trong tế bào, đảm bảo cho làn da sự tươi trẻ.
– Thiếu Vitamin B3 gây ra hiện tượng:
- Viêm da, viêm lưỡi…
- Ảnh hưởng hệ thần kinh như đau nhức đầu, giảm trí nhớ…
2.4 Vitamin B5
Vitamin B5 hay axit pantothenic, được phát hiện vào năm 1933. Nó xuất hiện rộng nên rất ít khi bị thiếu hụt.
– Chức năng của Vitamin B5:
- Hỗ trợ sự hình thành coenzym-A, quá trình trao đổi chất và tổng hợp protein, cacbohydrat, mỡ.
- Tổng hợp các tế bào máu đỏ, sự trao đổi chất steroid, neuron.
- Kích thích sản xuất kháng thể, hỗ trợ tăng sức khỏe tim mạch.
- Giảm căng thẳng stress.
- Nuôi dưỡng tóc, da khỏe hơn, đặc biệt ứng dụng trong thẩm mỹ đối với làn da mụn.
– Thiếu Vitamin B5 gây hiện tượng: Mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn, mất ngủ…
– Thực phẩm bổ sung Vitamin B5: pho mát, ngô, trứng, gan, thịt, lạc, đậu Hà Lan, đậu nành, men bia rượu, mầm lúa mì, sữa chua…
2.5 Vitamin B6
Vitamin B6 còn được gọi là pyridoxin, pyridoxal và pyridoxamin. Đây là một trong những loại Vitamin nhóm B có khả năng hòa tan trong nước.
– Chức năng của Vitamin B6:
- Là coenzim của những enzim aminotransferase (GOT, GPT) xúc tác cho quá trình trao đổi amin của các amino acid.
- Là coenzim của những enzim xúc tác cho phản ứng loại carboxyl để tạo cystein trong quá trình vận chuyển nhóm sulfide từ methionin đến serin.
- Tham gia vào quá trình chuyển hóa tryptophan.
- Hỗ trợ sự cân bằng giữa natri và kali đồng thời xúc tiến sự sản xuất các tế bào hồng cầu.
- Ngăn chặn ung thư, hỗ trợ chống lại sự hình thành homocystein.
– Thiếu Vitamin B6 gây ra hiện tượng:
- Ăn mất ngon
- Dễ bị kích thích mạnh
- Rụng tóc
- Một số triệu chứng đặc biệt ngoài da và niêm mạc
- Chậm lớn ở trẻ em, có thể có những cơn co giật
– Nguồn thực phẩm bổ sung Vitamin B6:
- Các loại thịt, cá
- Các loại rau củ quả như rau cải mâm xôi, ớt chuông đỏ, đậu hà lan, bông cải xanh, chuối…
- Các loại hạt
2.6 Vitamin B7
Vitamin B7 hay Vitamin H, Vitamin B8, Biotin là một loại dưỡng chất quan trọng cho tóc và móng.
– Chức năng của Vitamin B7:
- Thúc đẩy tóc mọc nhanh, dày và khỏe hơn.
- Ổn định đường huyết.
- Tham gia vào quá trình sản xuất hormone, tiêu hóa protein và carbohydrate.
- Cần thiết trong nhiều chức năng chuyển hóa, tân tạo acid béo, glucose, lipid…
– Thiếu Vitamin B7 gây ra hiện tượng:
- Thiếu dinh dưỡng, năng lượng protein
- Viêm da bong, viêm lưỡi teo, tăng cảm, đau cơ
- Mệt nhọc, chán ăn, thiếu máu nhẹ, thay đổi điện tâm đồ
- Rụng tóc…
– Thực phẩm bổ sung Vitamin B7:
- Thịt, gan
- Lòng đỏ trứng
- Sữa
- Cá hồi
- Súp lơ
- Các loại quả hạt, bột đậu nành, mầm lúa mì, ngũ cốc…
2.7 Vitamin B9
Vitamin B9 hay acid folic, folat là chất dinh dưỡng cần thiết hàng ngày của cơ thể để thực hiện các quá trình sản sinh tế bào mới. Ở tre sơ sinh và phụ nữ mang thai, nhu cầu về acid folic tăng cao hơn.
– Chức năng của Vitamin B9:
- Hỗ trợ quan trọng trong việc sản xuất các tế bào máu đỏ
- Giúp thực hiện và duy trì DNA của tế bào, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phân chia và phát triển tế bào ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
– Thiếu vitamin B9 gây hiện tượng:
- Chậm quá trình tổng hợp DNA và phân chia tế bào trong khi không ảnh hưởng đến tổng hợp RNA và protein. Nên từ đó tạo ra nhiều nguyên hồng cầu to (tế bào hồng cầu lớn trong máu). Cuối cùng dẫn đến bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu to và thiếu hồng cầu bình thường.
– Thực phẩm bổ sung Vitamin B9:
+ Nguồn thực vật: Lạc, hạt hướng dương, đậu lăng, đậu gà, măng tây, rau chân vịt, rau xà lách, đậu nành, súp lơ, hạt óc chó, hạt phỉ, quả bơ, củ cải đường, cải xoăn, cải bắp, bánh mì, ớt chuông đỏ, đậu phụ, khoai tây…
+ Nguồn động vật: gan gà, trứng gà, phô mai, cá hồi, thịt gà, bò, lợn, sữa chua, sữa, bơ…
2.8 Vitamin B12
– Chức năng của Vitamin B12:
- Giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung
- Giảm nồng độ homocysteine trong cơ thể,
- Hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể
- Tham gia vào sản xuất các tế bào máu, nuôi dưỡng các tế bào thần kinh
- Giúp cơ thể sử dụng acid folic tối ưu hơn.
– Thiếu Vitamin B12 gây ra hiện tượng:
- Trầm cảm, thiếu máu, mệt mỏi
- Tình trạng kéo dài có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho não cũng như hệ thần kinh trung ương
– Thực phẩm bổ sung Vitamin B12:
- Các loại hải sản như ngao, hàu, trai…
- Các loại cá như cá thu, cá ngừ…
- Gan động vật, thịt bò…
Tóm lại, Vitamin B là một trong những thành phần dinh dưỡng quan trọng của cơ thể. Nó tham gia vào quá trình chuyển hóa và hầu hết các hoạt động sống của chúng ta. Thừa hay thiếu Vitamin B cũng sẽ dẫn đến những tình trạng sức khỏe không tốt. Vì thế hãy thiết lập cho bản thân và gia đình bạn một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe nhé!