Bên cạnh nhau tiền đạo, nhau cài răng lược cũng là một biến chứng vô cùng nghiêm trọng xảy ra ở mẹ bầu, có thể đe doạ tính mạng cả mẹ lẫn thai nhi nếu không được can thiệp kịp thời. Vậy rau cài răng lược là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý ra sao? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
- 1. Nhau thai là gì?
- 2. Rau cài răng lược là gì?
- 3. Tại sao có hiện tượng nhau thai cài răng lược?
- 4. Triệu chứng rau cài răng lược là gì?
- 5. Nhau cài răng lược thường sinh con ở tuần bao nhiêu?
- 6. Nhau thai cài răng lược có nguy hiểm không?
- 7. Cách xử lý rau cài răng lược là gì?
- 8. Có thể phòng chống nhau thai cài răng lược không?
1. Nhau thai là gì?
Nhau thai là một thể phát triển bên trong tử cung trong thời kỳ mang thai. Đây chính là cơ quan gắn liền với niêm mạc của tử cung và là bộ phận kết nối với thai nhi thông qua dây rốn.
Đối với thai nhi, nhau thai đóng một vai trò vô cùng quan trọng và gần như không thể thiếu giúp cung cấp máu, oxy cũng như các dinh dưỡng thiết yếu để em bé có thể sống và phát triển khoẻ mạnh trong suốt thai kỳ.
Ngoài ra, nhau thai cũng có nhiệm vụ lọc bỏ các chất gây hại, carbon dioxide và các chất thải ra khỏi máu của thai nhi, giúp tách biệt máu mẹ bầu với bào thai để bảo vệ thai nhi chống lại các bệnh nhiễm trùng.
2. Rau cài răng lược là gì?
Nhau cài răng lược ngày nay đang càng tăng lên về tỉ lệ các ca mắc đồng thời gây nên không ít nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi. Vậy nhau cài răng lược là sao?
Hiểu một cách đơn giản, đây là tình trạng bám bất thường của nhau thai. Ở thai kỳ bình thường, nhau thai gắn vào thành tử cung và sẽ bong ra sau khi em bé chào đời. Tuy nhiên, với những mẹ bầu bị nhau cài răng lược, nhau sẽ không tự bong tróc khỏi thành tử cung sau quá trình sinh nở, mà bám chặt vào cơ tử cung, thậm chí xâm lấn các các cơ quan lân cận. Tình trạng này thường xảy ra khi các mạch máu mở, mà không đóng được kịp thời. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng băng huyết sau sinh, rối loạn đông máu,…, thậm chí là gây tử vong cho thai phụ.
Dựa vào mức độ xâm nhập của gai nhau, có thể phân chia nhau cài răng lược thành 3 loại như sau:
- Accreta: Đây được coi là thể nhẻ nhẹ nhất và phổ biến nhất của bệnh lý nhau cài răng lược (chiếm đến 79% số người mắc). Ở thể này, các gai nhau sẽ bám trực tiếp lên bề mặt cơ tử cung.
- Increta: Thể này chiếm 14% số ca mắc. Ở thể này, gai nhau xâm nhập sâu vào trong cơ tử cung, tuy nhiên mức độ vẫn trung bình, bánh nhau vẫn chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung.
- Percreta: Đây là thể nghiêm trọng nhất ở bệnh lý nhau cài răng lược. Ở thể này, gai nhau xâm nhập xuyên qua cơ tử cung đến lớp thanh mạc tử cung hoặc xâm lấn qua các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột,…
3. Tại sao có hiện tượng nhau thai cài răng lược?
Hiện nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa thể xác định làm rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhau thai cài răng lược là gì? Tuy nhiên, phần lớn các quan điểm hiện tại đều đồng ý cho rằng, những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng nhau thai cài răng lược ở mẹ bầu:
- Nhóm sản phụ có độ tuổi cao trên 35 tuổi.
- Những người có tiền sử sinh mổ hoặc có tiền căn sẹo mổ trên tử cung do mổ lấy thai, mổ bóc u xơ tử cung,…
- Người có tiền sử viêm nhiễm niêm mạc tử cung.
- Người nạo phá thai nhiều lần hoặc sinh nhiều con cũng có nguy cơ cao mắc nhau cài răng lược.
- Mẹ bầu đã từng được chẩn đoán nhau tiền đạo.
4. Triệu chứng rau cài răng lược là gì?
Không giống những bệnh lý khác trong thai kỳ, nhau cài răng lượng thường rất khó được phát hiện bằng những biểu hiện thông thường. Bởi bệnh thường không có dấu hiệu hoặc gây triệu chứng gì cho người mẹ trong quá trình mang thai.
Chỉ ở một số ít trường hợp, nhau cài răng lược có thể gây ra tình trạng xuất huyết âm đạo trong thời kỳ tam cá nguyệt cuối (tuần thai từ 28-40). Tuy nhiên, tỷ lệ này chiếm không nhiều và các biểu hiện cũng không quá rõ rệt.
Hiện nay, cách duy nhất để phát hiện ra tình trạng này chỉ có thể là siêu âm định kỳ. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định được tình trạng nhau cài răng lược ở mức độ nào, nguy hiểm đến đâu, từ đó đưa ra phương án điều trị thích hợp.
Bệnh lý nguy hiểm của mẹ bầu – Nhau cài răng lược
5. Nhau cài răng lược thường sinh con ở tuần bao nhiêu?
Khi được chẩn đoán mắc bệnh nhau cài răng lược, các bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng nặng hay nhẹ của nhau cài cũng như thể trạng của sản phụ để đưa ra thời điểm chấm dứt thai kỳ hợp lý.
Thông thường, thai thường được chỉ định mổ từ tuần 34 – 36 của thai kỳ, khi chức năng hô hấp của bé đã gần như được hoàn thiện để đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn bé.
6. Nhau thai cài răng lược có nguy hiểm không?
Nhau thai cài răng lược là một biến chứng rất nguy hiểm trong thai kỳ. Tuy không quá phổ biến, nhưng tình trạng này cũng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi có thể kể đến như:
- Chảy máu âm đạo, gây mất máu nhiều, nặng hơn là băng huyết sau sinh, đe dọa đến tính mạng người mẹ.
- Có thể làm ảnh hưởng đến khả năng đông máu, gây suy thận, suy hô hấp ở sản phụ.
- Sót rau gây nhiễm trùng sau sinh.
- Có nguy cơ phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung để bảo toàn tính mạng.
- Nếu rau cài đến bàng quang hay trực tràng thì đôi khi phải cắt bỏ 1 phần bàng quang hay trực tràng thì mới cầm máu được.
- Gây hậu quả nặng nề như rò bàng quang, âm đạo, trực tràng,…
- Trẻ có nguy cơ sinh non, sinh thiếu tháng, dẫn đến suy dinh dưỡng, suy hô hấp hoặc chưa được phát triển toàn diện.
7. Cách xử lý rau cài răng lược là gì?
Nhau cài răng lược mang đến rất nhiều nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng cho cả bà mẹ lẫn thai nhi. Tuy nhiên, trong trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh nhau cài răng lược, mẹ cũng không nên quá lo lắng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Tùy theo tình trạng sức khoẻ của sản phụ, vị trí nhau bám, mức độ xâm lấn vào cơ tử cung cũng như diện tích rau bám cơ, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp cho mẹ bầu.
Ở mức độ nhẹ, các bác sĩ sẽ truyền máu cho sản phụ để giúp tử cung tự cầm máu. Còn đối với trường hợp nặng hơn, nhau cài răng lược gây chảy máu nghiêm trọng trong quá trình mang thai, các bác sĩ sẽ cân nhắc yêu cầu mổ lấy thai cấp cứu để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.
Nặng nề nhất, bác sĩ sẽ phải quyết định cắt tử cung nếu rau đã lấn sang cả bàng quang hay trực tràng.
8. Có thể phòng chống nhau thai cài răng lược không?
Cho đến nay, y học vẫn chưa thể tìm ra được giải pháp thực sự nào giúp điều trị tình trạng nhau cài răng lược một cách triệt để. Tuy nhiên, các chị em hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng này bằng những cách sau:
- Có kế hoạch sinh sản phù hợp và chủ động, không nên sinh quá nhiều con cũng như sinh mổ trong những trường hợp không thực sự cần thiết. Vì tỷ lệ sinh mổ càng thấp, thì tỷ lệ nhau cài răng lược càng giảm, đồng thời các tai biến trong sinh mổ càng ít, giúp đảm bảo an toàn hơn cho mẹ và bé trong quá trình sinh nở.
- Thường xuyên thăm khám thai theo định kỳ được sớm phát hiện những bất thường trong thai kỳ, từ đó có những biện pháp can thiệp kịp thời, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Hạn chế nạo phá thai hoặc thực hiện phẫu thuật trên tử cung nhiều lần. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ mắc nhau cài răng lược mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
- Không nên mang thai khi lớn tuổi. Thời điểm mang thai tốt nhất để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé là trước 30 tuổi.
- Khi có kế hoạch mang thai, cần đảm bảo về mặt sức khỏe lẫn tinh thần.
Qua nội dung bài viết trên đây, Hebora đã giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về tình trạng rau cài răng lược là gì? Mong rằng bài viết trên mang đến cho bạn những thông tin hữu ích và cần thiết.
Theo Nguyễn Ngọc Duy